Dân Bắc Hàn có khóc thật không – Nguyễn Liệu

Dân Bắc Hàn có khóc thật không.

Đề tài hay quá, độc đáo quá. “ Dân Bắc Hàn có khóc thật không”. Một câu hỏi như thế là một câu xác định rồi, hoặc có thể nói đó không phải là một nghi vấn nữa mà là một câu ở thể khẳng định. Hay ở chỗ,  hình như chưa bao giờ có câu hỏi về một dân tộc khóc thật hay khóc giả. Thế mà có, cho trường hợp dân Bắc Hàn, nước cộng sản cuối mùa.

Thú thật tại hạ đọc bài Dân Bắc Hàn có khóc thật không, của tác già Tom Geoghegan  trên BBC, khoái quá vui quá. Vì tác giả chán biết rồi nhưng vẫn đưa ra để hỏi thiên hạ chơi.

Bỗng dưng tại hạ nhớ lại hình như vào mùa hè năm 1953 Staline chết. Tại hạ, vài chục tuổi, theo dân chúng đến dự lễ truy điệu “Đồng chí Staline vĩ đại đã qua đời” Trong buổi lễ ông bí thư và phó bí thư xã ổng khóc quá sá khóc tới xỉu, bất tỉnh.  Người ta phải kéo ông ta vào lớp học ( vì làm lễ trên sân trường tiểu học trong làng) làm hô hấp tự nhiên, xoa dầu cạo gió một hồi lâu mới tỉnh lại. Không khí nghiêm trang quá không ai dám cười. Bỗng một bà già nói lớn “ Mụ nội nó khóc như cha nó chết, nước mẳt cá sấu”. Đám đông cười ồ lớn tiếng phá mất cái không khí nghiêm trang giả tạo của buổi lễ truy điệu.

Cái kiểu khóc đó người miền Trung gọi là khóc dối ( dối trá ) khóc không có nước mắt. Chỉ có bọn chuyên nghiệp khóc dối mới có nước mắt. Ngày trước dùng dầu “Nhị thiên đường” dầu “ Cù là” xoa vào mắt chừng vài phút mắt đỏ ,nước mắt tuông ra như khóc. Ngày nay chắc không cần dùng hai thứ dầu đó, có những cách “ văn minh” hơn. Ai không biết thì bấm vào Google chỉ cho cách khóc dối.

Khi còn nhỏ tại hạ nghe nói ngoài Bắc có những toán đi khóc mướn cho các đám tang của nhà giàu. Tại hạ không tin có cái nghề kỳ lạ như vậy. Nhưng lớn lên biêt đó là sự thật. Đọc của ông Hồ hữu Tường mới biết ngoài Bắc có khóc mướn thật. Thì ra giả dối cũng là môt nghề kiếm ăn được, và cũng dễ làm không cần phải qua những khóa huấn luyện. Nghe nói họ khóc hay lắm thảm thiết lắm làm người đưa đám tang cũng khóc theo. Họ khóc văn chương lắm, ông Hồ hữu Tường còn hài hước, nghe khóc mướn phải mê và có thể lấy đề tài làm luận án tiến sĩ văn chương về khóc mướn.  Ví dụ như khóc người chết còn trẻ quá, ông nội bà nội ông bà ngoại còn sống phây phây,  thì họ khóc :

“ Lá vàng còn ở trên cây

Lá xanh rụng xuống giời ơi là giời !  hu..hu..hu..”

Còn nhiều câu hay lắm, rất hay nhưng tại hạ quên ráo.

Tại hạ nhớ trong truyện Tam quốc có màn Khổng Minh khóc Chu Du cũng khá hấp dẫn.

Chu Du là kẻ thù số 1 của Khổng Minh (bọn phản động nước ngoài ) chết. Khổng Minh liều lĩnh đến phúng điếu. Thấy bóng Khổng Minh tướng tá của Chu Du rút kiếm đòi ăn tươi nuốt sống kẻ thù đã gây ra cái chết cho chúa công,  nhưng thấy Triệu tử Long theo bảo vệ nên họ tra kiếm lại vào vỏ. Khổng Minh tế lễ và khóc quá sá ( còn gì nữa mà không gọi là khóc dối ) khóc kể lể hay quá thảm thiết quá thương tình quá làm cho đám tướng lãnh, quan khách,  tang gia,  đều khóc theo nức nở.

Có lẽ, có lẽ thôi, bác Hồ là lãnh tụ khóc nhiều nhất. Bác quả là người “nhậy cảm”, bác khóc thành tài liệu học tập. Từ lúc còn nhỏ tại hạ đã được nghe kể một cách trang nghiem Bác ôm tướng Lư Hán,  tướng tư lệnh quân đội Tưởng giới Thạch, đóng quân phía Bắc vĩ tuyến 16 (Đà nẳng) để tước khí giới quân Nhật đầu hàng năm 1945, khóc nức nở khóc thảm thiết. Bác ôm cụ Huỳnh thúc Kháng, ôm tướng Nguyễn hải Thần khóc nức nở. Đức cha Lê hữu Từ cũng được bác ôm khóc . Và mỗi khi gặp cán bộ ở mặt trận về, gặp cán bộ ở miền Nam ra, bác ôm khóc sướt mướt nhiều khi chú Đồng ( thủ tướng Phạm văn Đồng) phải can ngăn và năn nỉ và dỗ bác mới nín. Không biết bác dùng phương pháp gì chứ nếu dùng dầu cù là như bọn đóng kịch,  hay là các cô dâu trưởng khóc khi mẹ chồng chết, thì hư cặp mắt vì dùng quá nhiều lần. Có lẽ cũng hỏi Google thì biết.

Muốn một dân tộc khóc cho đều, cho rập ràng cho có kết quả tốt cho thắng lợi thì phải có tổ chức có huấn luyện nhất là phải kiểm soát và có biện pháp trừng phạt kẻ nào “ tiêu cực” trong việc khóc.

Chẳng những khóc mà vỗ tay hoan nghênh cũng như dơ nắm tay cao cương quyết đả đảo đều được tập luyện kỹ, kiểm soát kỹ và trừng phạt kỹ mới có kết quả.

Các nuớc cộng sản nhất là cộng sản Tàu và Việt rất rành sự tập luyện này.Nhớ năm vào thập kỷ 60 bang giao Mỹ Tàu bằng cuộc đấu bóng bàn tại Bắc Kinh. Bộ chánh trị Trung quốc quyết định chọ 5000 công nhân đồng phục, quần xanh áo xanh đội cát kệt giày vải đen,  đi xem cuộc đấu bóng quan trọng này.

Vì kỷ luật và vì cố đạt thành tích tốt,  nên công nhân được tuyển chọn này vổ tay rất đều rất dòn dã và tỏ ra rất rành xem môn thể thao có tính cá nhận thiếu đoàn thể tính này. Qua TV người ta thấy rõ khán giả thay vì xem hai đấu thử sát phạt nơi bàn banh bông đặt giữa sân , khán giả  đều chăm chăm nhìn nguời điều khiển ngồi trên chiếc ghế cao nhất ở mỗi góc để bắt đầu vỗ tay và ngừng vỗ tay.

Mới đây, mới kỳ thế vận hội đây, Trung quốc bỏ ra 60 tỷ đô la Mỹ để tổ chức. Dùng kỷ thuật cao để ở xa nhìn thấy nhiều hình ảnh ngoạn mục đặc sắc. Đến hát bài hát chính cũng giả mạo, tuyển người đẹp các nơi về Bắc kinh để cho thấy giống Tàu rất đẹp gái. Những người già, tàn tật đuổi ra khỏi khu thế vận,  để cho thế giới thấy người Tàu không có ngưòi gia nua ốm yếu chỉ có lớp tuổi trẻ khoẻ mạnh. Đuổi những gia đình ở nơi lụp xụp nghèo khổ, đuổi bọn ăn xin dọc vệ đường để ngoại quốc nó phục dân Tàu giàu có sung mãn,  kiếm không ra người homeless như ở Mỹ v.. v..

Tóm lại, khóc, vỗ tay, hoan hô, đả đảo…… của những nước cộng sản là vậy đó.

Chấm dứt ở đây tại hạ không cần kết luận nữa.

:

Bình luận về bài viết này